Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Công nghệ rượu giả ở Trung Quốc

Công nghệ rượu giả ở Trung Quốc

Nạn làm rượu vang giả ở Xương Lê nghiêm trọng và phổ biến đến mức ngay cả người dân bình thường cũng biết công thức pha chế.



Huyện Xương Lê, tỉnh Hà Bắc là một trong những nơi sản xuất rượu vang đỏ nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Huyện duyên hải nhỏ này lâu nay thậm chí được so sánh với vùng Bordeaux của Pháp. Nơi đây có tới 45 cơ sở sản xuất rượu với nhiều nhãn hiệu như Great Wall, Maotai và Dragon Seal, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Rất nhiều hộ gia đình ở Xương Lê có vườn nho hoặc có người thân làm trong ngành rượu. Tuy nhiên, hầu hết người dân lại cảnh giác với chính thứ đặc sản đã làm địa phương mình trở nên nổi tiếng. “Chúng tôi nghe chuyện rượu giả, kém chất lượng từ lâu rồi”, ông Triệu Vân Phong, một người dân địa phương, nói với SCMP. Ông tiết lộ: “Khi nào cần rượu, gia đình tôi phải nhờ người làm trong nhà máy của Great Wall mua giúp”.

Ai cũng có thể làm

Người dân Xương Lê không chỉ biết có nhiều cơ sở sản xuất rượu giả mà còn biết rượu giả được làm như thế nào. SCMP dẫn lời một người trồng nho cho hay hầu hết các cơ sở ở đây pha nước, nhiều loại hóa chất, màu nhân tạo cùng nước cốt nho để tạo thành rượu vang đỏ. Thậm chí, một số loại không có nước cốt nho mà chỉ là hỗn hợp cồn, hóa chất và phẩm màu. Ông này từ chối cho biết danh tính vì sợ bị báo thù. Trên con đường dẫn đến nhà ông có rất nhiều xưởng sản xuất rượu vang. Ông khẳng định: “80% rượu được làm từ những nhà máy trên con đường này không phải 100% nước cốt nho”. Ông cho biết thêm nhiều người trong làng làm việc cho các tụ điểm pha chế rượu giả và tình trạng này diễn ra ít nhất đã 3 năm.

Người trồng nho trên than thở rằng vì lợi nhuận trước mắt, các cơ sở sản xuất rượu đã bán đứng danh tiếng lâu đời của Xương Lê. Ông phân tích: “Để làm rượu vang, phải mất 3 hoặc 4 tháng để chiết xuất và lên men cốt nho. Trong khi đó, chỉ cần trộn nước với hóa chất là qua một đêm sẽ có lời. Với kiểu làm ăn như vậy, hoàn toàn có thể làm ra một chai rượu với chi phí dưới 12 nhân dân tệ (hơn 35 ngàn đồng - NV)”. Các chai rượu giả được phân phối đến Bắc Kinh và các thành phố ở phía nam, theo SCMP. Dù các nhãn hiệu của chúng trông giống y như thật nhưng như dân Xương Lê khẳng định với SCMP: “Nếu bạn mua một chai rượu ở Bắc Kinh chỉ với giá dưới 30 nhân dân tệ thì chắc chắn đó là đồ giả”.



"Để làm rượu vang, phải mất 3 hoặc 4 tháng để chiết xuất và lên men cốt nho. Trong khi đó, chỉ cần trộn nước với hóa chất là qua một đêm sẽ có lời"

Một người trồng nho ở Xương Lê

Quản lý của một công ty rượu tiết lộ cho Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng công ty anh cung cấp rượu nguyên liệu cho 8 xưởng ở Xương Lê để pha trộn. Còn một chủ tiệm bán chất phụ gia thì cho tờ SCMP hay nhiều khách hàng đến mua các thành phần để làm rượu vang giả đến nỗi cô có thể “tự học” công thức pha chế. Ngoài ra, một nhân viên kinh doanh cho biết công ty in của anh liên tục giao mẫu nhãn hiệu của các công ty nổi tiếng cho các xưởng rượu.

Nước đường pha hóa chất…

Nạn rượu giả ở Xương Lê có nguyên do một phần từ quy định kiểm soát chất lượng quá lỏng lẻo. Tờ SCMP dẫn lời một người dân địa phương nói: “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ các nhà chức trách quan tâm. Năm ngoái, một trong các cơ sở sản xuất rượu gần nhà tôi bị phạt 10.000 nhân dân tệ vì làm rượu giả nhưng họ có sợ đâu”. Ông cho rằng mức phạt trên chẳng thấm vào đâu và không đủ mạnh để răn đe vì “chỉ cần qua một đêm, họ có thể kiếm lại số tiền đó”. Cũng vì làm rượu giả quá dễ nên ngày càng ít nhà máy đến mua nho của nông dân. “Bọn chế rượu giả đang khiến đời sống của chúng tôi càng khó khăn hơn”, ông bức xúc.

Dư luận Trung Quốc chỉ biết đến tình trạng làm ăn gian trá ở Xương Lê sau khi CCTV phát phóng sự điều tra hồi cuối tháng trước. Trong một cuộc phỏng vấn, nhân viên quản lý của một công ty rượu thừa nhận rằng nhiều loại rượu vang được sản xuất tại Xương Lê chỉ chứa 20% nước cốt nho, phần còn lại là nước đường pha hóa chất, bột màu và hương vị. Ngay sau đó, chính quyền địa phương lập tức tiến hành điều tra. Kết quả là 6 người bị bắt, gần 30 cơ sở sản xuất rượu giả bị đình chỉ hoạt động, hơn 5.300 hộp rượu giả và 19 chai rượu không dán nhãn bị tịch thu, theo Tân Hoa xã.

Sau khi vụ việc bị phanh phui, tất cả rượu được sản xuất từ Xương Lê đều bị dỡ khỏi các kệ hàng trên toàn quốc, theo SCMP. Một chủ tiệm rượu sỉ cho biết: “Tôi thường bán rượu với giá 30 nhân dân tệ/chai, nhưng bây giờ tôi không biết đó là hàng thật hay giả. Cách tốt nhất là không bán chúng nữa để tránh phiền phức”. Còn một quan chức địa phương cho hay các cửa hàng và siêu thị đang xin giấy chứng nhận chất lượng trước khi đưa các loại rượu trở lại kệ bán. Tuy nhiên, sau nhiều vụ tai tiếng chấn động liên tục, chính quyền Trung Quốc sẽ phải rất nỗ lực mới có thể khôi phục lòng tin của người tiêu dùng đối với rượu vang Xương Lê và nhiều mặt hàng thực phẩm khác ở nước này.

Văn Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét