Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Mẹo” trường thọ của bác sĩ 100 tuổi vẫn cầm dao mổ

“Mẹo” trường thọ của bác sĩ 100 tuổi vẫn cầm dao mổ


Tiến sĩ y học, viện sĩ Fedor Grigorevich Uglov được biết đến như một bác sĩ phẫu thuật thực hành nhiều tuổi nhất trên thế giới. Tên ông đã được đưa vào sách  kỷ lục thế giới Guiness. Ở tuổi 100, hai lần trong một tuần ông vẫn tiến hành những ca mổ phức tạp nhất tại Bệnh viện Giải phẫu Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Y học Sankt Peterburg. Sau đây là đôi điều tâm sự của viện sĩ về bản thân và cách kéo dài tuổi thọ.


Đời người dài hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình của chúng ta trong thực tế. Những ví dụ về sự trường thọ, khi con người sống đến 160-180 tuổi đã nói lên khả năng đó của con người. Song do điều kiện khó khăn của cuộc sống, sự thiếu không khí trong lành, chế độ ăn uống chưa đầy đủ, nỗi vất vả quá sức, những thói quen tai hại đã rút ngắn cuộc sống.
Nhưng phần lớn vẫn là bởi con người đã ứng xử thiếu sáng suốt, liều lĩnh trong cuộc sống. Thay vì liều lĩnh, cần phải thông minh hơn. Không nhất thiết phải tự hạn chế nhiều thứ, nhưng phải luôn hiểu rằng cuộc sống cũng là một cái gì đó rất mỏng manh.
Này nhé, chẳng hạn tôi năm nay 100 tuổi, tôi vẫn tiếp tục mổ, tay tôi không run. Tôi còn viết nữa. Tôi đã viết được gần 600 bài báo, 10 cuốn chuyên khảo, 10 cuốn mang tính chất chính luận – nghệ thuật.
Tôi từng nghèo khổ và bệnh tật
Tôi có thể giải thích như thế nào về tuổi thọ của tôi nhỉ? Phải chăng tôi là một lực sĩ? Không đâu, tôi không phải là lực sĩ. Cuộc sống của tôi rất vất vả. Tôi sinh trưởng trong một gia đình đông con. Chúng tôi sống rất nghèo tại một vùng khỉ ho cò gáy tận Sibiri, cách đường xe lửa 1100 cây số, nơi mà ngay đến những con đường thông thường cũng không có.
Cha tôi là một người thợ bình thường, từ năm 12 tuổi, tôi làm thợ nguội ở nhà máy, năm 17 tuổi bị tù khổ sai vì đọc sách cấm. Mẹ tôi là nông dân. Nhưng bà khá thông minh và mặc dù rất vất vả, bà đã lo cho tất cả chúng tôi ăn học nên người. Trong số chúng tôi có một giáo sư và một viện sĩ.




Viện sĩ Fedor Grigorevich Uglov được đưa tên vào sách  kỷ lục thế giới Guiness như một bác sĩ phẫu thuật cao tuổi nhất

Và tôi không bao giờ tin những vị phụ huynh nói rằng họ sống khó khăn cho nên không giáo dục được con cái, không thể cho chúng ăn học tử tế. Theo tôi, họ không khó khăn hơn so với gia đình tôi. Mãi đến năm 1914, chúng tôi mới mua được một ngôi nhà. Tức là sau khi kết hôn, bố mẹ tôi gần 25 năm không có nhà để ở mà phải đi thuê. Mùa hè mấy mẹ con về quê. Mùa đông bố tôi đi kiếm tiền. Bố tôi đến đâu thì mấy mẹ con bồng bế nhau đến đó thuê một chỗ để nấu ăn cho bố tôi.
Vả lại tôi còn mắc bệnh thương hàn và bệnh sốt phát ban có biến chứng. Tôi lại bị nhiễm trùng máu và phải nằm bệnh viện nửa năm trời. Như vậy là tôi không hề có những tiền đề bẩm sinh cho việc sống lâu. Vậy nguyên nhân nào đã khiến tôi sống trọn một thế kỷ?
Rời bàn ăn khi còn hơi đói
Trước hết tôi không bao giờ ăn quá no. Mẹ tôi thường bảo: nên rời bàn ăn khi còn hơi đói. Chúng ta thường ăn quá no, mà sự ăn quá no ấy, thậm chí với người không béo phì, là rất có hại. Bởi lẽ cơ thể nạp vào nó, vào các mạch máu những gì được hấp thụ từ dạ dày, và tất cả những cái dư thừa đọng lại khiến  cơ thể già đi. Nếu như chúng ta tìm hiểu những cụ già cốc đế thì thấy các cụ ăn rất ít, không bao giờ ăn quá no.
Nói không với rượu cồn
Ngoài việc không nên ăn quá no cũng tuyệt đối không uống rượu. Trong đời mình, tôi không uống một ly rượu trắng nào. Tôi bao giờ cũng hăng hái tham gia các cuộc vui: tôi hát, tôi nhảy, tôi chơi đàn, tôi nâng cốc nước khoáng. Nếu như người ta rót rượu trắng cho tôi thì tôi cụng ly, chạm môi rồi đặt xuống. Và nói chung không uống một lần nào. Có biết bao phen người ta định chuốc rượu cho tôi say nhưng không làm được. Nếu như tôi bị bắt ép thì tôi nói: tôi không uống cạn ngay lập tức mà sẽ uống từ từ. Tôi không bao giờ uống rượu và tôi cho rằng điều đó rất quan trọng vì theo thống kê, người uống rượu giảm tuổi thọ đến 20 năm.
Bất cứ một lượng rượu cồn nào cũng co rút các mạnh máu não. Hồng cầu không đến được đó nữa và các tế bào não qua một thời gian nào đó sẽ chết. Kết quả là thậm chí sau khi dùng rượu cồn có mức độ, trong não con người sẽ còn lại một nghĩa địa gồm những tế bào thần kinh đã chết. Sau mấy năm, não của anh ta nhăn nhíu lại, thu hẹp lại về dung tích – điều này đã được xác định bằng máy tính. Cứ mỗi lần uống rượu có chừng mực thì chỉ sau 20 ngày não mới trở lại bình thường. Trong suốt thời gian đó, con người hoạt động với bộ não “say”. Còn lượng rượu cồn làm người ta chết là 8 gram trên một kilogam trọng lượng. Do đó rượu cồn là thứ thuốc độc thực sự.
Không đùa với thuốc lá
Kẻ thù thứ ba là thuốc lá. Theo thống kê, nó làm cho đời người rút ngắn đi 7-8 năm. Hút thuốc có ảnh hưởng tai hại đến tim, gan, và chủ yếu là đến đại não. Khi hút điều thuốc đầu tiên người ta cảm thấy chóng mặt bởi lẽ chất nicotin làm cho các tế bào não bị tổn thương. Những điếu tiếp theo vẫn tiếp tục khiến não tổn thương nhưng người ta không nhận thấy chẳng qua là vì họ đã quen dần. Song không có nghĩa là chất nicotin không gây tác hại nữa. Các tế bào não vẫn bị hủy hoại bởi nicotin và góp phần rút ngắn đời người.
Điều độ chuyện vợ chồng

Có người hỏi: không ăn quá no, không uống rượu, không hút thuốc, vậy còn gì là thú vui xác thịt nữa? Tình dục chắc? Theo tôi, đó là một mặt rất quan trọng của cuộc sống. Hơn nữa không phải chỉ để một mình người đàn ông được thỏa mãn. Anh ta cần phải làm tất cả những gì để người vợ cũng được mãn nguyện. Và nhờ vậy, sức khỏe của người phụ nữ sẽ được giữ gìn. Còn nếu anh ta chỉ nghĩ đến mình, làm hùng hục một mạch rồi lăn ra ngủ trong khi người phụ nữ mới bắt đầu ham muốn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nàng, sẽ khiến ở nàng xuất hiện các quá trình viêm khác nhau. Chưa kể có thể dẫn tới chỗ nàng sẽ đi tìm một người đàn ông khác.
Nếu người phụ nữ bắt đầu phản bội chồng thì trước hết cần phải xem lại  người chồng. Nếu một vị tu mi nam tử nói: “Nói chung, tôi không quan tâm đến "chuyện ấy” thì có thể nói rằng anh ta là một tên đần. Một khi anh ta chỉ quan tâm đến bản thân mình thì đó đâu phải là tình yêu?
Nhà nước phải chăm sóc người phụ nữ, phải tránh cho họ công việc chân tay nặng nhọc. Người phụ nữ bế con là đủ lắm rồi. Trong công việc nội trợ phụ nữ vất vả hơn nam giới. Bởi vậy, dồn cho nàng công việc nặng nhọc là hành động vô lương tâm không thể chấp nhận được đối với một nước có văn hóa. Người phụ nữ có thiên chức là làm vợ, làm mẹ. Còn cánh đàn ông chúng ta phải tìm mọi cách giúp đỡ nàng, giải phóng cho vợ mình khỏi những vất vả và tạo điều kiện cho nàng sinh con đẻ cái.
Có ý kiến cho rằng theo năm tháng chức năng sinh dục của nam giới tàn lụi dần. Nhưng chức năng đó của tôi vẫn giữ được. Bởi vậy tôi cho rằng mình chưa phải phế nhân. Không, tôi hiện vẫn là một người đàn ông. Nói chung tần số giao hợp của tôi cũng bình thường. Ngay cả trước đây tôi cũng không lạm dụng chuyện đó. Bởi vì hồi còn học ở trường trung học tôi đã đọc những cuốn sách của Frot bàn về các vấn đề giới tính, trong đó nói rằng không nên lạm dụng chuyện đó, rằng tính trung bình, sự gần gũi giữa nam và nữ không nên quá hai lần trong một tuần. Nhưng đối với tôi thì mọi chuyện bao giờ cũng bình thường – cả với người vợ trước lẫn người vợ sau.
Cố gắng làm điều  thiện
Tôi muốn nói thêm là sức khỏe thể lực thường phụ thuộc vào sức khỏe tinh thần. Người thầy thuốc có thể làm theo lối “khoán” làm công ăn lương như công chức. Nhưng nguyên tắc của tôi là: cần dành tình thương yêu cho bệnh nhân trước khi anh ta lên bàn mổ. Bởi vậy tôi tiếp xúc, tìm hiểu, ứng xử với mọi người bệnh như đối với người ruột thịt của mình vậy.
Nói chung là nên cố gắng làm điều thiện, không làm điều ác. Mọi người đều biết rằng những kẻ độc ác sẽ không sống lâu. Bởi vì cái ác có tác động hủy hoại đối với hệ thần kinh. Người làm điều ác có thể hí hửng một chút đấy nhưng sẽ lo bị “ăn miếng trả miếng” và kết quả là sẽ sống trong trong bầu không khí chẳng thể an bình  và điều đó khiến họ giảm thọ.
Theo GD&TĐ
FW by Nguyễn Cao Đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét